Quá trình tham chiến tại Đại Việt Lý_Hóa_Long_(nhà_Thanh)

Trận vượt sông Thị Cầu

Cuối năm 1788, vua Càn Long ra lệnh cho Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị chỉ huy quân Thanh kéo vào Đại Việt để trấn áp quân Tây Sơn theo yêu cầu của vua Lê Chiêu Thống. Ngày 28 tháng 11 năm 1788, với lực lượng đông đảo và trang bị tốt, quân Thanh nhanh chóng tiến vào Đại Việt theo các hướng khác nhau. Lý Hóa Long làm phó tướng cho Trương Triều Long chỉ huy đạo quân Quảng Đông[4], đây là đạo quân chủ lực gồm các đơn vị bộ binh huy động được từ tỉnh Quảng Đông kéo vào Việt Nam theo hướng cửa ngõ biên giới tỉnh Tuyên Quang. Sau khi tiến quân đến sông Thị Cầu, Trương Triều Long cho để lại 500 quân chặn giữ cửa sông, đem 1500 quân tiến lên trước, sai các thổ dân dẫn đường, Tôn Sĩ Nghị lại sợ quân đi quá ít nên sai tổng binh Lý Hóa Long đem thêm 500 quân đi tiếp ứng. Quân Thanh vượt sông Thị Cầu và đánh lui cánh quân Tây Sơn do Nội hầu Phan Văn Lân chỉ huy án ngữ ở đây để nhanh chóng tiến về Thăng Long để hội quân với các đạo khác. Trong trận này, Lý Hóa Long đã lập được công lớn, góp phần vào chiến thắng của quân Thanh. Theo báo cáo của quân Thanh, trận này quân Tây Sơn bị chết 423 người và bị tịch thu 314 khẩu đại pháo (Tôn Sĩ Nghi phao tin là hơn 1000 người chết, hơn 500 bị bắt).

Chiếm Thăng Long

Sau khi chiếm được kinh thành Thăng Long, quân Thanh tạm dừng tiến công và đóng trú quân tại khu vực này. Quân Thanh bố trí lực lượng của mình thành năm cụm cứ điểm lớn gồm:

  • Cụm thứ nhất là đạo quân chủ lực do Tôn Sĩ Nghị trực tiếp chỉ huy, đóng trại ở Bồ Đề, đại bản doanh đóng ở cung Tây Long của thành Thăng Long.
  • Cụm thứ hai do Đề đốc Hứa Thế Hanh là phó tướng, đóng ở Hà Hồi và Ngọc Hồi.
  • Cụm thứ ba là quân Điền Châu và Triều Châu do Tri phủ Sầm Nghi Đống chỉ huy đóng ở Khương Thượng, Đống Đa (Hà Nội).
  • Cụm thứ tư là cánh quân Vân Quý do Đề đốc Ô Đại Kinh chỉ huy đóng ở Sơn Tây, (Hà Tây, Hà Nội).
  • Cụm thứ năm là quân Khâm Châu theo đường biển tiến vào đóng ở Hải Dương.

Lý Hóa Long được bố trí ở cụm quân thứ hai đồn trú tại Ngọc Hồi. Trong các cụm quân này, ngoài cụm quân chủ lực do Tôn Sĩ Nghị chỉ huy, thì cánh quân do Hứa Thế Hanh chỉ huy là đáng lưu ý nhất. Với quân số khoảng ba đến bốn vạn, đây là một bộ phận quan trọng trong đạo quân chủ lực của Tôn Sĩ Nghị gồm nhiều đội kỵ binh người Mãn của Đạo kỵ binh Lưỡng Quãng, những đội hỏa pháo, hai đội bộ binh chính quy của Tổng binh Thượng Duy Thăng và Tổng binh Trương Triều Long. Quân lính được trang bị vũ khí tốt bao gồm các loại vũ khí lạnh như gươm, đao, kiếm, thương, giáo, mộc, cung tên còn được trang bị các loại hỏa khí như địa lôi, súng tay, đại bác và hỏa hổ. Đạo quân chủ lực này gồm số quân lính Quảng Đông và Quảng Tây dưới sự chỉ huy của Tổng binh Thượng Duy Thăng và Phó tướng Khánh Thành đốc suất quân lính Quảng Tây. Tổng binh Trương Triều Long và Tổng binh Lý Hóa Long đốc suất binh lính Quảng Đông[5].

Trong trận Ngọc Hồi

Quân Tây Sơn bỏ Thăng Long, lui về giữ Tam Điệp (Ninh Bình - Thanh Hóa), sau đó thừa lúc quân Thanh đang trễ nhác, an nghỉ ăn chơi, Vua Quang Trung đích thân dẫn đầu mười vạn quân chia là năm đạo cùng bốn vị đô đốc chỉ huy thần tốc tiến ra Bắc[6]. Sau khi quân Tây Sơn tấn công mãnh liệt và chiếm được Ngọc Hồi trước đó là Hà Hồi, Lý Hóa Long theo Trương Triều Long bỏ đồn rút về tuyến sau theo hướng Quỳnh Đô - Văn Điển. Dọc đường rút chạy bị quân Tây Sơn do Đô Đốc Bảo phục kích tại Đầm Mực, Tổng binh Trương Triều Long bị trúng lao chết, Lý Hóa Long chạy thoát về đến doanh trại chính. Sau đó, Lý Hóa Long được Tôn Sĩ Nghị giao nhiệm vụ chỉ huy một đạo quân đóng ở phía Nam sông Hồng đề bảo vệ mé nam của kinh thành Thăng Long và cũng là bảo vệ đường rút lui của quân Thanh[5].

Trong trận Thăng Long

Quân Tây Sơn do Đô đốc Long chỉ huy tiếp tục tấn công bất ngờ vào kinh thành Thăng Long và nhanh chóng tái chiếm kinh thành, Tôn Sĩ Nghị "sợ mất mật", "ngựa không kịp đóng yên, người không kịp mặc giáp, dẫn bọn lính kỵ mã của mình chuồn trước qua cầu phao, rồi nhắm hướng bắc mà chạy"[7] việc này đã đặt quân Thanh mà trực tiếp là đạo binh do Lý Hóa Long chỉ huy vào trạng thái "rắn mất đầu", như ong vỡ tổ, mất sự chỉ huy, dẫn đến rối loạn hành động vô tổ chức và tán loạn. Tình hình hỗn loạn đến mức tổng binh Lý Hóa Long dẫn tùy tùng chạy qua cầu phao để theo Tôn Sĩ Nghị nhưng đến giữa cầu phao lại xô xát và đẩy quân lính xuống sông. Đồng thời Tôn Sĩ Nghị tàn nhẫn ra lệnh cho Khánh Thành chặt đứt cầu phao để tránh sự tuy đuổi khiến cho ông cùng số quân này cả người lẫn ngựa rơi xuống sông Nhĩ Hà (sông Hồng) và bị chết đuối. Hoàng Lê nhất thống chí chép lại như sau: "Quân sĩ các doanh trại nghe tin đều hoảng loạn, tan tác bỏ chạy, tranh nhau qua cầu, sang sông, xô đẩy nhau rơi xuống sông chết rất nhiều"[7]. Lý Hóa Long chết đuối tại đây[5].